Alexander McQueen – Giấc mơ ngạo nghễ không bao giờ dứt

It was not a dream. A nightmare for certain. But it was the most wonderful nightmare that nobody wanted to forget


Tôi đã nghĩ rất nhiều khi muốn viết 1 dòng sapo nào đó thật ngầu, thật ấn tượng cho nhà thiết kế mà tôi yêu thích. Tôi lật lại những bài báo từng viết về ông, tôi xem những bộ sưu tập tai tiếng của ông, tôi nhìn ông cao ngạo buồn bã trong những bức hình để lại. Tôi nghĩ mọi điều tôi sắp viết về ông chỉ giống như những cánh bướm mỏng mà ông đã đính lên tà váy những thiết kế của mình lúc đương thời.

Lần đầu tiên tôi biết tới Alexander McQueen là qua những chiếc khăn in skull được tất thảy những ngôi sao front-row ưa chuộng. Chất liệu lụa đắt tiền in những hình đầu lâu được tối giản với đủ màu sắc là phụ kiện thịnh hành và “nhân từ” duy nhất mà McQueen để lại cho thế giới.

Ông mất vào ngày 11/2/2010. Tự sát.


Tin tức về cái chết của McQueen lúc đó đã gây rung động làng thời trang bởi ông hãy đang còn trên đỉnh cao phong độ với những bộ sưu tập luôn khiến người khác ngạt thở.

Alexander McQueen sinh năm 1969, con út trong một gia đình bậc trung 6 anh chị em. Trước khi chính thức lấy bằng master thiết kế thời trang vào năm 1994, ông từng là một anh thợ cắt vải học việc tại một nhà may trên phố Savile Row. Tính cách ngang tang của một kẻ tội đồ bạo ngược bộc lộ ngay từ khi chớm 20, Lee (tên thân mật của Alexander McQueen) đã bí mật thêu vào phía bên trong bộ suit dành cho thái tử Charles dòng chữ thô tục: I’m a cunt.


Cú shock đầu tiên Lee dành cho thế giới chính là vào năm 1996 với lời  mời gọi vị trí head designer từ nhà mốt hàng đầu Givenchy sau khi người tiền nhiệm của ông – bố Cả John Galliano bỏ đi. Dù sở hữu kĩ năng may đo đỉnh cao từ những ngày còn là anh thợ cắt chỉ, nhưng việc một nhà thiết kế chỉ với 2 năm kinh nghiệm từ khi cầm bằng vượt mặt tất cả các tên tuổi khác để cầm trượng sáng tạo của Givenchy vẫn là điều khó có thể coi là bình thường.

Tuy nhiên, Givenchy không lầm. Alexander McQueen là một thiên tài cực đoan – kẻ kiến tạo nên những cơn ác mộng lộng lẫy cho thế giới thời trang sau này. Vốn là một người khắt khe, Lee tuyệt đối hóa mọi thiết kế của mình từ những đường kim mũi chỉ cho tới số đo chuẩn mực hết thảy. Một cô mẫu của Lee từng gục ngã trong cánh gà sau khi đi lướt hết 1 vòng runway chỉ vì chiếc váy bó quá chặt khiến nàng không tài nào thở được. Nhưng kể cả như vậy, cô nàng cũng đang được “gần như tắc thở” trong một thiết kế của Alexander McQueen chứ chẳng phải ai. Thậm chí, các bà các cô phố Lớn vẫn bỏ ra cả gia tài để mua đồ của Alexander McQueen dù với những số đo ngặt nghèo mà ông đặt ra, hàng đống mỡ và thịt thi nhau lộ diện hớ hênh. 


Một cơn ác mộng. Thật buồn khi cứ phải nhắc đi nhắc lại điều này trong khi tôi đang nói về một thiên tài của thời trang. Người không ngần ngại phá vỡ những quy tắc để tạo nên đế chế cho chình mình giống như Coco Chanel hay Yves Saint Laurent trước kia. Nhưng Alexander McQueen không phải là một tượng đài được dát vàng óng ánh, ở ông là một dáng hình khật khưỡng của một tay côn đồ biết cách dùng kéo và kim chỉ. Một kẻ bạo ngược xé toạc những bộ trang phục thông thường rồi nâng niu những cánh bướm bé xíu đặt vào nơi mình vừa cào nát.




Nhớ phim của Tim Burton chứ? Hay chí ít đã lúc nào đó bạn xem một phim của Tim Burton: Big Fish, Alice in Wonderland, Sleepy Hollow… những bộ phim fantasy u tối với ma thuật, những nàng tiên, công chúa và những gã bợm rượu. Bạn ngạt thở với bóng tối trong những bộ phim của Tim Burton nhưng không bao giờ muốn thoát ra cho đến khi biết được kết thúc của nó. Đó cũng là cảm giác của tôi khi xem show diễn của Lee: Váng vất với những diềm váy lả lướt như bị xé toang, những đường nét cắt cúp giữa ngực hay hai bên vai, những chất liệu vải đắt đỏ tựa như da của loài hữu nhũ dưới đại dương, những gương mặt mẫu lạnh băng nhợt nhạt trên nền sân khấu ma mị. Nhưng cùng lúc là cảm giác sững sờ trước những tuyệt tác được tạo nên từ vải vóc, ren, lụa… những chiếc váy xếp nếp bồng bềnh hay được in họa tiết phóng khoáng, 3D và màu sắc hẳn là rất exotic mạnh mẽ. Tôi chẳng thể kiếm được cái cảm giác “stunned” đó ở những bộ sưu tập hiện đại hay điệu đà, sang cả của những Elie Saab, Grabal Gurung hay Gucci, Chanel. Có cảm giác những món đồ của Alexander McQueen chỉ dành riêng cho những nhân vật bước ra trong câu chuyện cổ tích dưới địa ngục.









Sức sáng tạo của Lee không chỉ ở những thiết kế vượt thời gian, cùng lúc khiến bạn hoảng sợ và ham muốn chúng tột độ (những bộ váy dát vẩy vàng, đắp lông vũ, những đôi giày có đế tạc khung sọ của các loài động vật hay là đôi càng cua lênh khênh mà Lady Gaga đã khiến cả thế giới sửng sốt trong MV Bad Romance). Mà còn là ở cách Lee kể lại những câu chuyện thời trang của mình.

Nếu bạn đã từng xem (hoặc nghe tới) những show diễn của Dior, Chanel, bạn sẽ chẳng nào quên được sự tinh tế sang trọng của những sàn runway được tô điểm thành vòng quay ngựa khổng lồ, những đồng băng lạnh vĩnh cửu hay những khu vườn hoa nhiệt đới. Nhưng với Alexander McQueen, chốn thiên đường đó lại là phản ánh cho chính trí tưởng tượng bạo liệt của ông thay cho những phù hoa thường thấy.

VOSS – show diễn tai tiếng và kịch tính nhất của ông có dàn dựng một hộp kính lớn nơi các mẫu diễu qua diễu lại quanh một hộp khác được bao vây bởi các tấm chắn phủ vải. Cuối show diễn, chiếc hộp – trong hộp kính đổ ập xuống các tấm kính để lộ ra vedette của show diễn – một người mẫu plus-sized, nhà văn đang ở trần với một chiếc mặt nạ khí gas trùm kín đầu và bao quanh là những con ngài đang rung cánh. Trong một show diễn khác có tên It’s only a Game, Lee biến sàn runway của mình thành bàn cờ vua khổng lồ với những quân cờ người chính là các người mẫu trong show diễn. Hay như trong bộ sưu tập, The Girl live on the tree, Lee để giữa sân khấu một cây khổng lồ bằng lụa tulle. Một bộ sưu tập đậm chất lãng mạn về một cô gái sống trên cây đã biến thành một nàng công chúa khi gặp chàng hoàng tử của cuộc đời mình. Tất thảy đều đẹp như những giấc mơ fantasy với những nút thắt kịch tính phung phí.

VOSS

The Girl lives on the tree


It's Only a Game

Người ta gọi Lee là người đàn ông của đêm tối. Bởi những cảm hứng mãnh liệt, u buồn trong những thiết kế của ông đã có tác động rất lớn tới tư duy thời trang của đại chúng. Ông mang lại cho thế giới phù phiếm này những hình tượng bạo lực ngả nghiêng nhưng cũng rất đỗi trữ tình. Hình ảnh siêu mẫu Shalom Harlow diện chiếc váy trắng quay giữa sân khấu cho hai cánh robot kì quái phun sơn lên người trở thành khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất trong thập niên 90. Những cô mẫu trong bộ váy tả tơi lướt đi khi trình diễn bộ sưu tập ngoạn mục có cái tên táo tợn đến đáng sợ: Highland Rape. Kate Moss xuất hiện bằng kĩ thuật hologram to như người thật giữa sân khấu…



Hình ảnh hologram của Kate Moss

Shalom Harlow và bộ váy huyền thoại

Ám ảnh, bạo liệt và ngạo nghễ là những gì tôi có thể diễn tả về Lee. Khi bạn bóp méo những quy tắc thông thường và vẽ nên những điều chưa ai nhìn thấy. Bạn có thể là thiên tài hoặc một kẻ khùng mất trí. Với Lee, ông là một trong số hiếm hoi được gọi là thiên tài khi làm như vậy. Sau mỗi show diễn, Lee bước ra với bộ dạng của một kẻ du thủ du thực vùng Scotland, giày combat, quần jeans thụng, áo phông và áo sơ mi rộng khoác ngoài.  Một tên côn đồ với khuôn mặt mà bạn nghĩ mình có thể gặp trong bất cứ quán rượu tồi tàn nào lại để lại cho thế giới bộ sưu tập đồ sộ xứng đáng được cho vào viện Bảo Tàng.



Khi ông mất, tất thảy những tên tuổi hạng nhất của showbiz  thế giới đều có mặt trong cuộc diễu hành cuối cùng với những thiết kế tuyệt tác của thương hiệu Alexander McQueen: Lady Gaga, Sarah Jessica Parker, Anna Wintour, Kate Moss.

Người duy nhất khóc trước cửa căn hộ của Lee khi cảnh sát đến mang thi thể ông đi là Mr.Stag – người tình đồng giới của ông.

Bạn có nghĩ đấy là một giấc mơ rất buồn không.

Rea
(Kỉ niệm 4 năm ngày mất của Alexander Lee McQueen: 11/2/2010 - 11/2/2014)